Chúc mừng năm mới 2021

By 2021-01-05 Tháng Hai 3rd, 2021 Bản tin

Năm 2021 là một năm đáng nhớ với tất cả chúng ta, sau biết bao thay đổi và trì hoãn, chúng tôi vui mừng được chào đón gần như tất cả các em học sinh của năm 2020 sang nhập học trong hai tháng vừa qua.

Một năm dù có bao nhiêu trở ngại, bao nhiêu đổi dời, tôi luôn tin không ai trong chúng ta lại không hân hoan chào đón một năm mới với niềm mong mỏi mọi sự sẽ khởi sắc hơn, tươi mới hơn và tốt đẹp hơn nữa.

Mỗi quốc gia mà bạn đi qua dù ngắn hay dài đều để lại ấn tượng nhất định về phong tục tập quán, nói về điều này, Nhật Bản là nước có sự thể hiện vô cùng rõ nét. Tôi xin chia sẻ một bài viết từ cựu thành viên của Học Viện Ngôn Ngữ Quốc Tế Oji, một người có am hiểu sâu sắc về truyền thống văn hóa Nhật Bản, về “Người Nhật thường làm gì vào ngày mùng 1 tết”.

Người Nhật thường làm gì vào ngày mùng 1 Tết (1/1)?
Sau khoảnh khắc giao thừa là bước sang năm mới. Mọi việc làm/hành động sau đó người Nhật đều hay gọi kèm theo chữ “Hatsu-初- Sơ”, nghĩa là đầu tiên. Những việc làm/hành động trong ngày đầu tiên của năm mới có kèm theo chữ “Hatsu” thường gồm những việc như sau:
1. Hatsu Yume – 初夢- Sơ Mộng – Giấc mơ đầu năm
Sau khi đón giao thừa xong thì mạnh ai nấy ngủ và trong giấc ngủ nếu nằm mơ thì giấc mơ đó được gọi là Hatsu Yume, giấc mơ đầu năm.
Về giấc mơ đầu năm, người Nhật có câu “Ichi Fuji – Ni Taka- San Nasubi (一富士二鷹三茄)”, nghĩa là “Thứ nhất là núi Phú Sĩ, thứ nhì là chim ưng, thứ ba là cà tím”. Nếu trong giấc mơ đầu năm mà mơ thấy được 1 trong 3 thứ nói trên thì xem như cả năm gặp nhiều may mắn. Lý do vì sao thì có nhiều thuyết giải thích như sau:
@Do Tokugawa thích núi Phú Sĩ, săn chim ưng và ăn cà tím.
@ Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất ở Nhật nên tượng trưng cho những điều tốt đẹp nhất. Chim ưng là loài chim mạnh và thông minh. Cà tím tiếng Nhật là Nasu, đồng âm với từ Nasu-成す- Thành, nghĩa là mọi thứ đều thành đạt, vẹn toàn.
@Phú Sĩ tiếng Nhật là Fuji, nghe giống từ Buji – 無事- Vô Sự, nghĩa là bình an vô sự. Chim ưng tiếng Nhật là Taka, đồng âm với Taka – 高い- Cao, mang ý nghĩa vượt trội, cao hơn người. Cà tím thì mang ý nghĩa giống ở trên là thành đạt, vẹn toàn.
Nếu đầu năm nằm mơ thấy được một trong 3 thứ trên thì rất rất may mắn, còn không thì mơ thấy những thứ theo thứ tự sau thì cũng vẫn gặp được điềm lành:
@Thứ 4 là quạt (quạt gì cũng được, quạt giấy, quạt xếp, quạt máy)
@Thứ 5 là thuốc lá
@Thứ 6 là Zato (một giai cấp người mù trong xã hội phong kiến ở Nhật thời Edo, thường hành nghề hát dạo hoặc châm huyệt…)
@Thứ 7 là búi tóc của nam giới thời Edo
@Thứ 8 là hoa hồng
@Thứ 9 là kịch Kabuki
Để mơ được giấc mơ có điềm may mắn, người Nhật thường để bức tranh con thuyền chở 7 vị thần may mắn Shichi Fukujin gọi là Takarabune (宝船) ở dưới gối ngủ. Trên bức tranh Takarabune có viết thêm câu thơ hồi văn, thường là câu thơ sau:
“Nakaki Yo No Too No Nefuri No Mina Mesame Naminori Fune No Oto No Yoki Kana
長き夜の遠の睡りの皆目醒め
波乗り船の音の良きかな“
Tạm dịch:
“Đêm đông dài
Ta đang say giấc nồng
Bỗng chợt mọi thứ bừng tỉnh
Trên mặt biển
Con thuyền đang lướt sóng
Tiếng sóng khiến lòng ta bình yên đến lạ kỳ..“
Gọi thơ hồi văn là vì đọc ngược đọc xuôi đều như nhau.
Còn mặt sau của bức tranh Takarabune thì vẽ thêm thần thú ăn giấc mơ “Baku”.
Nếu xui mơ trúng ác mộng thì có thể hoá giải theo cách sau:
@Tỉnh dậy cười và nghĩ giấc mơ thường trái ngược là xong:))))
@La to 3 lần câu:” Giấc mơ tối qua ta đã cho thần thú ăn giấc mơ Baku rồi” (Yube No Yume Ha Baku Ni Agemasu-ゆうべの夢は獏にあげます)
@Gửi giấc mơ vào bức tranh Takarabune và thả tranh trôi theo dòng sông. (Cách này hiện không ai làm 🙂
Nói chung cách thứ nhất là dễ và khoẻ nhất:)
2. Hatsu Mizu-初水- Sơ Thủy- Nước đầu năm
Hatsu Mizu còn được gọi bằng tên chính thức là “Wakamizu-若水-Nhược Thủy”, cũng mang nghĩa là nước đầu năm. “Nước đầu năm” vốn là nghi thức được thực hiện ở các ngôi đền với tên gọi là “Wakamizu Mukae – Đón nước đầu năm” vào mỗi dịp năm mới. Nhưng không rõ từ khi nào mà nghi thức này đã trở thành một thói quen của người dân Nhật vào ngày mùng 1 Tết.
Ngày xưa, vào sáng mùng 1 Tết, sau khi thức dậy thì người Nhật sẽ cử một người trong gia đình đi ra giếng hoặc suối múc nước đem về nhà. Thường người làm việc này sẽ là người nam đứng đầu trong gia đình hoặc là người nam có tuổi trùng với năm mới.
Sau khi đem nước về nhà thì sẽ dâng lên cho thần Toshigami, rồi dùng nước đó để rửa mặt, uống, pha trà và nấu món canh bánh nếp Mochi Ozoni (お雑煮)…
Người Nhật tin rằng, nếu dùng “Wakamizu – Nước đầu năm” thì có thể thanh tẩy được mọi tà khí trong người.
Ngày nay thì khó mà tìm được nước giếng hoặc đi ra suối múc nước đem về nên người Nhật dùng “Wakamizu” là nước từ vòi nước máy hoặc nước lọc đóng chai, và thường gọi là “Hatsu Mizu” hoặc “Fuku Sui –福水- Phúc Thủy- Nước hạnh phúc”.
Sáng mùng 1 Tết, sau khi thức dậy thì người chủ trong gia đình (có thể là chồng hoặc vợ) sẽ mở vòi nước máy hứng nước vào bình hoặc ấm. Sau đó sẽ dùng nước đó thay nước trên bàn thờ Thần và tổ tiên, rồi dùng nước đó cho mọi người súc miệng, rửa mặt. Không nhất thiết phải hứng thiệt nhiều nước, mỗi người chỉ cần rửa sơ qua là được. Sau khi rửa xong xuôi thì có thể mở vòi nước máy ra dùng thoải mái như bình thường.
3.Hatsu Mode – 初詣 – Sơ Nghệ – Đi lễ đầu năm
Sau khi ăn các món ngày Tết Osechi và Ozoni xong thì người Nhật sẽ đi lễ đền chùa đầu năm, gọi là Hatsu Mode.
Đi lễ đầu năm thì người Nhật thường hay rút quẻ bói Omikuji và mua bùa may mắn Omamori, có người còn cúng cho đền chùa. Nếu ai mà cúng đền chùa thì tên sẽ được ghi trên một thẻ gỗ và treo ở đền chùa có kèm theo cả số tiền đã cúng. Còn ai mà phạm phải tam tai Yaku Doshi (厄年) thì sẽ xin đền chùa làm lễ trừ tà, thường lễ này phải liên hệ đăng ký trước.
Ngoài ra còn có nhiều hành động có “Hatsu” như: Đi tàu đầu năm gọi là “Hatsu Nori -初乗り”, buôn bán đầu năm gọi là “Hatsu Uri- 初売り”, cười đầu năm gọi là “Hatsu Warai-初笑い”, đi toilet đầu năm gọi là “Hatsu Toire -初トイレ”, xì hơi đầu năm gọi là “Hatsu Onara –初オナラ”… (2 cái sau là admin đùa thôi nha, mà đùa với người Nhật thì người ta vẫn hiểu 🙂

S.P
1/1/2021

Nguồn:

https://www.facebook.com/fufutabi/posts/700065030671012